Trong năm 2021, cà phê Việt Nam có nhiều chuyển biến về cả thị trường và giá cả. Cà phê Việt Nam trong năm qua có những thay đổi gì? Việc sản xuất cà phê ra sao? Giá cà phê thay đổi như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu tình hình cà phê Việt Nam năm 2021 qua bài viết này.
Tình hình sản xuất cà phê Việt Nam năm 2021
Tháng 11 là giai đoạn khu vực Tây Nguyên thu hái cà phê. Tổng diện tích cà phê tại khu vực này khoảng 630.000 ha. Trong đó, Ðắk Lắk có 209.000 ha, Lâm Ðồng có hơn 173.000 ha, Ðắk Nông có 120.000 ha, Gia Lai có hơn 98.400 ha và Kon Tum có hơn 25.000 ha. Theo VTV, hiện nay, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch được 40% diện tích cà phê. Năm nay, sản lượng dự kiến giảm 10-15% do yếu tố thời tiết không thuận lợi.

Tuy nhiên, mùa thu hoạch năm nay phải đối diện với tình trạng thiếu lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. các nhân công quê Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… không lên khu vực Tây Nguyên đông như mọi năm. Người hái cà phê chủ yếu là lao động tại địa phương.
Theo báo Tuổi trẻ, ngày 15/11, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện tỉnh này cần tới hơn 13 triệu công lao động trong vụ thu hoạch cà phê năm nay.
Cà phê là cây trồng chủ lực của Đắk Nông với tổng diện tích trên 130.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch vào khoảng 120.000 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt trên 330.000 tấn. Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, tổng giá trị ước đạt trên 13.200 tỉ đồng.
Trong hai tháng cao điểm thu hoạch cuối năm 2021, Đắk Nông cần trên 230.000 lao động. Trong khi lao động tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 50%, số nhân công còn lại phải thuê mướn từ các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên số lao động thu hoạch này rất hạn chế, dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 115.000 lao động so với các năm trước.
Tình hình tiêu thụ cà phê
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11 đạt 78 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 16,5% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 12,6% về trị giá.
Tính chung 11 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 2,63 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 11, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.327 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng 10/2021 và tăng 21% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.931 USD/tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Về chủng loại, lượng xuất khẩu cà phê robusta, arabica, cà phê chế biến tăng, nhưng xuất khẩu cà phê excelsa giảm. Tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê giảm, ngoại trừ cà phê chế biến.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, robusta là chủng loại cà phê xuất khẩu lớn nhất trong tháng 10/2021, đạt 85,7 nghìn tấn, trị giá 157 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với tháng 10/2020.
Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê robusta giảm 3,2% về lượng, nhưng tăng 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Diễn biến giá cà phê Việt Nam năm 2021
Thời tiết không thuận lợi ở vùng Tây Nguyên, cùng với tình trạng thiếu hụt nhân công khi nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch và phơi sấy cà phê niên vụ mới 2021/2022. Điều này góp phần đẩy ra giá cá phê tiếp tục tăng mặc dù vẫn đang thời gian thu hoạch. Ngày 29/11, giá cà phê robusta trong nước tăng 300-400 đồng/kg so với ngày 29/10/2021, lên mức 40.700-41.500 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Giá cà phê trong nước còn được hưởng lợi bởi đà tăng của giá cà phê thế giới trong tháng 11 khi tiếp tục lập đỉnh 10 năm qua do nguồn cung thiếu hụt. Xu hướng tăng kể từ khi bắt đầu niên vụ cà phê 2020-2021 đang cho thấy sự phục hồi của giá cà phê thế giới sau 4 năm liên tiếp duy trì ở mức thấp, phản ánh sự thay đổi đáng kể trong điều kiện thị trường tổng thể.
Tuy nhiên, nhìn chung cà phê Việt Nam năm 2021 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các điều kiện không thuận lợi về thời tiết, về lao động và cả những tác động của dịch Covid đã làm cho chi phí sản xuất trở nên tăng cao. Vì vậy mặc dù giá cà phê tăng cao thì thu nhập của những người nông dân trồng cà vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy làm cách nào để giảm thiêu tối đa chi phi mà giá cà phê tăng? Đó vẫn là bài toán khó của người nông dân Việt.
Nguồn: Báo cáo thị trường cà phê – Trần Đức Quỳnh, Văn Thị Mai Hằng.