Thị trường chứng khoán sẽ như thế nào sau khi VN-Index lập đỉnh mới?
Các chuyên gia nhận định phiên VN-Index vượt 1.200 điểm hôm qua khác những lần hụt trước đó, cho thấy đà tăng có thể bền vững hơn.
VN-Index đã xác lập mức kỷ lục mới khi chốt ở ngưỡng 1.216 điểm trong phiên 1/4, vượt qua đỉnh cũ năm 2018. Nhưng trước đó chỉ số của Sở HoSE từng đóng cửa trên ngưỡng này vào phiên 18/3, hay phiên 13/1 và 18/1 từng vươn tới ngưỡng 1.200 điểm trước khi thoái trào. Điểm chung sau ba phiên trước là thị trường không giữ được mức kỷ lục, thường giảm điểm ngay sau đó.
Tuy nhiên, với phiên hôm qua, các chuyên gia đánh giá có phần lạc quan hơn. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, so với ba lần chạm ngưỡng 1.200 điểm trước đó, phiên 1/4 có nhiều điểm khác.
Đầu tiên, tại phiên 18/3, thị trường chốt trên 1.200 điểm nhưng diễn ra vào cuối phiên ATC (xác định giá đóng cửa), khi đang có tình trạng nghẽn lệnh. Hai phiên đầu tháng 1, chỉ số chỉ tích tắc vượt qua ngưỡng này rồi thoái trào ngay sau đó. Với phiên hôm qua, lực tăng diễn ra từ đầu phiên và kéo dài tới khi đóng cửa. VN-Index vượt 1.200 điểm và giữ được ngưỡng này với lực cầu chiếm ưu thế, thậm chí nếu không có nghẽn lệnh đà tăng còn có thể cao hơn.
Điểm khác thứ hai là những lần chạm 1.200 điểm trước, động lực tăng đến từ nhóm mid-cap và penny, dòng tiền đổ vào nhóm này. Trong khi đó, hai phiên gần đây, lực kéo đến từ nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. “Điều này phần nào cho thấy đà tăng bền vững hơn”, ông Minh đánh giá.
Nhưng chuyên gia này cho rằng, việc vượt đỉnh luôn đi kèm rủi ro điều chỉnh bởi trước đó VN-Index nhiều lần chinh phục thất bại ngưỡng này. “Để xác định lần vượt đỉnh này có bền vững hay không có lẽ cần quan sát thêm 1-2 phiên nữa”, ông Minh nói và cho rằng nếu VN-Index giữ được biên độ 5-7% cao hơn 1.200 điểm thì đà tăng có thể là bền vững.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng lưu ý là tình trạng nghẽn lệnh cũng có thể là yếu tố tác động, vì thế diễn biến trong phiên sáng sẽ quyết định để xem liệu thị trường có giữ được đà tăng hay không.

Bà Lê Thu Hằng, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty cổ phần chứng khoán FPT (FPTS), cũng cho rằng rủi ro điều chỉnh tại ngưỡng kháng cự mạnh là điều có thể xảy ra. “VN-Index từng ba lần thất bại trong việc chinh phục ngưỡng 1.200 điểm từ đầu năm nay, những nhà đầu tư mua vào tại ngưỡng này là không ít. Với tâm lý an toàn, nhiều người sẽ chọn việc bán ra”, bà Hằng phân tích.
Việc vượt đỉnh thành công, VN-Index trụ được ngưỡng trên 1.200 điểm sẽ phụ thuộc vào dòng tiền có chấp nhận mức giá cao hiện tại hay không. Một điểm tích cực là phiên 1/4 lực cầu tại vùng giá cao tương đối tốt, vì thế có thể kỳ vọng vào kịch bản là VN-Index trụ lại trước áp lực bán ra.
Sóng Elliott là một trong những lý thuyết thường được áp dụng để đánh giá về xu hướng dài hạn của thị trường. Lý thuyết này cho rằng, diễn biến tâm lý đám đông chính là sự hình thành các mô hình và xu hướng của giá cả trên thị trường. Áp dụng lý thuyết này, bà Hằng tính toán, điểm số cao nhất VN-Index có thể đạt được năm nay khoảng 1.351-1.400 điểm.
Cùng quan điểm, sau phiên 1/4, hầu hết công ty chứng khoán đưa ra góc nhìn tích cực với dự báo đà tăng có thể kéo dài.
BVSC dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần. Diễn biến có thể xuất hiện các nhịp rung lắc, điều chỉnh đan xen trong phiên khi nhiều nhóm cổ phiếu có dấu hiệu quá mua.
Sau khi vượt đỉnh quanh 1.200 điểm, nhóm phân tích BVSC dự báo vùng kháng cự tiếp theo của thị trường sẽ nằm tại vùng 1.235-1.250 điểm. “Thị trường đang đứng trước cơ hội bước vào nhịp tăng mới và tiến đến thử thách vùng kháng cự trên trong ngắn hạn”, báo cáo BVSC viết nhưng cũng lưu ý đến khả năng sẽ xuất hiện nhịp “throwback” để kiểm định lại các ngưỡng điểm vừa bị vượt qua.
VDSC nhận định, thị trường đã được giải tỏa tâm lý sau khi VN-Index vượt vùng cản 1.200 điểm và ghi nhận mức cao mới. Mặc dù thanh khoản giảm so với hai phiên trước nhưng cũng ghi nhận nỗ lực vượt cản của chỉ số. “Có thể thị trường sẽ có động thái rung lắc do diễn biến tăng điểm nhanh nhưng được hỗ trợ theo chiều hướng tích cực trong ngắn hạn”, nhóm phân tích VDSC đánh giá.
Giữ quan điểm tích cực hơn, MBS cho rằng thị trường đã tận dụng được cơ hội để vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm một cách thuyết phục, xu hướng tăng càng được củng cố.
“Sự luân chuyển của dòng tiền ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt và ở các trụ là những dấu hiệu cho thấy thị trường mạnh, xu hướng đi lên chậm chắc và mặt bằng cổ phiếu cũng được nâng dần lên”, nhóm phân tích MBS đánh giá và cho biết, vẫn bảo lưu quan điểm, nếu có rung lắc hay điều chỉnh thì đó là cơ hội để cơ cấu danh mục, các nhóm được tăng trưởng tốt sẽ là sự lựa chọn của dòng tiền.
>>> Bất động sản: Doanh nghiệp thành lập mới tăng đột biến
Theo Vnexpress