Những câu chuyện cuộc sống dù ngắn nhưng chứa đựng rất nhiều bài học quý giá giúp chúng ta tìm kiếm bản thân ngày một hoàn thiện hơn và thành công trong cuộc sống.
Câu chuyện cuộc sống thứ 1:
Đoàn tàu hỏa đang lăn bánh không ngừng trên đường ray, một ông lão vô tình đánh rơi một chiếc giày mới mua của mình ra ngoài cửa sổ.
Mọi người xung quanh đều cảm thấy tiếc thay ông. Chẳng ngờ, ông lão lập tức ném chiếc giày còn lại ra ngoài mà không mảy may do dự.
Hành động này của ông khiến ai cũng ngạc nhiên. Thấy vậy, ông lão mới giải thích: Một chiếc giày dù có đắt đến thế nào, thì với tôi nó cũng là vô dụng. Giờ nếu có ai đó nhặt được cả đôi có lẽ sẽ hữu dụng với họ.
Bài học rút ra:
Những niềm đau, nỗi buồn trên đời đã định trước không thể xoay chuyển trong cuộc sống, thay vì cứ mãi giãy giụa thì chẳng thà buông bỏ sớm. Có như vậy, bạn mới có thể thoải mái và vui sống tiếp.
Câu chuyện cuộc sống thứ 2:
Có một anh học trò vào kinh đi thi đã là lần thứ 3, lần nào anh cũng ở trong một quán trọ quen thuộc.
Trước kỳ thi 2 ngày, anh nằm mơ hai giấc mộng. Giấc mơ thứ nhất là anh thấy mình trồng củ cải trên tường. Giấc mơ thứ hai là cảnh tượng trời đang đổ mưa, anh đã đội nón ná còn che ô.
Nghĩ rằng hai giấc mơ dường như có ý nghĩa sâu sa, hôm sau anh học trò đi tìm thầy bói giải mã giấc mơ.
Thầy bói nghe anh kể xong, liên tục vỗ vào đùi nói: “Anh nên về quê đi thôi. Anh nghĩ mà xem, trồng củ cải trên tường chẳng phải nghĩa là việc làm uổng công vô ích sao? Đội nón lá còn che ô trong trời mưa chẳng phải là làm điều thừa thãi sao?”
Học trò nghe vậy mất hết ý chí, quay về nhà trọ thu dọn quần áo định bụng về quê.
Chủ nhà trọ vô cùng khó hiểu mới hỏi: “Không phải ngày mai mới thi à, sao hôm nay anh đã về quê rồi?”
Anh học trò mới kể rõ ngọn nguồn, chủ nhà trọ cười đáp: “Tôi cũng biết giải mã giấc mơ. Tôi lại nghĩ khác, lần này anh nhất định phải ở lại.
Anh nghĩ mà xem, trồng rau trên tường chẳng phải nghĩa là có thành quả trên cao sao? Đội nón che ô không phải cho thấy lần này anh có chuẩn bị thì sẽ không phải lo lắng nữa à?”
Học trò nghe xong, thấy cũng có lý. Thế là tinh thần phấn chấn hơn hẳn, quyết định tham gia kỳ thi. Sau đó anh đỗ Thám Hoa.
Bài học rút ra:
Người sống tích cực, giống như mặt trời vậy, đi tới đâu cũng sẽ tỏa sáng. Còn người luôn sống với những ý nghĩ tiêu cực lại giống như ánh trăng, mỗi ngày một kiểu.
Suy nghĩ quyết định cuộc sống. Chúng ta nghĩ thế nào thì tương lai sẽ trở nên như vậy.
Câu chuyện cuộc sống về sự giác ngộ thứ 3:
Có một người phụ nữ từ nhiều năm nay luôn than phiền người phụ nữ ở đối diện nhà sống quá mức lười biếng.
“Bà ấy không bao giờ giặt sạch quần áo. Nhìn mà xem, mấy bộ đồ bà ta phơi trong sân luôn có vài vết chấm bẩn. Thật không hiểu sao đến cả quần áo cũng giặt không sạch.”
Cho đến một ngày nọ, có một người bạn tới nhà người phụ nữ đối diện tìm hiểu nguyên do mới phát hiện ra sự thật bất ngờ. Hóa ra không phải người ở nhà đối diện giặt quần áo không sạch.
Người bạn này cầm một cái khăn lau, lau sạch bụi đất bám trên cửa sổ nhà của người phụ nữ trách móc kia rồi nói, “Cô nhìn xem, sạch rồi mà.”
Té ra chẳng phải người phụ nữ ở nhà đối diện giặt đồ bẩn mà do cửa sổ nhà mình quá bẩn mà thôi.
Bài học rút ra:
Một người sẽ luôn dễ dàng phát hiện ra lỗi lầm của người khác dễ dàng hơn là nhìn ra sai lầm của bản thân. Trách móc, phán xét người khác cũng đơn giản hơn so với tự kiểm điểm bản thân.
Nhưng chỉ khi lau đi những “bụi bặm” bám trên cửa sổ nhà mình thì mới có thể đưa ra ý kiến khách quan nhất, chính xác nhất về thế giới bên ngoài.
Đừng vì mình không đủ sáng suốt, chưa hiểu rõ sự việc mà khiến nhận thức của bản thân bị sai lệch.
Những câu chuyện cuộc sống về sự giác ngộ
Câu chuyện cuộc sống thứ 4:
Thầy giáo hỏi: “Nếu như muốn đun sôi nước trong bình, nửa chừng thì hết củi, con sẽ làm thế nào?”
Có một học trò nói phải nhanh đi tìm củi, học trò khác nói đi vay củi, có bạn lại nói đi mua.
Thầy giáo đáp: “Vậy sao không đổ bớt nước trong bình đi?”
Bài học rút ra:
Cuộc sống không thể chuyện gì cũng được như ý muốn của ta. Phải buông bỏ mới có thứ khác.
Đặc biệt là những khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần thay đổi góc độ, đôi khi lại tìm thấy ngã rẽ bất ngờ.
Câu chuyện cuộc sống thứ 5:
Thời nhà Tống, có một vị thiền sư thấy một con bò cạp bị rơi xuống nước liền đưa tay cứu nó. Nào ngờ vừa chạm vào, bò cạp đã cong đuôi chích vào ngón tay thiền sư.
Thiền sư không sợ, vẫn đưa tay xuống định vớt bò cạp lần nữa, ngờ đâu lại bị bò cạp chích lần thứ hai.
Có người bên cạnh nói: “Nó cứ liên tục đốt ông, sao phải cứu nó làm chi?”
Vị thiền sư đáp: “Đốt người là thiên tính của bò cạp, mà hành thiện là thiên tính của tôi. Sao tôi có thể vì thiên tính của nó mà buông bỏ thiên tính của mình.”
Bài học rút ra:
Rất nhiều thời điểm, chúng ta đều vì hoàn cảnh bên ngoài và người khác mà thay đổi thiên tính và dự định ban đầu của bản thân.
Thế nhưng giữ được bản chất, biến động cũng khó đánh mất chính mình thì mới trở nên đáng quý.
Cuộc sống luôn không ngừng biến động. Mỗi ngày ta đều phải đối mặt với rất nhiều thử thách.
Sẽ có những thời điểm gặp phải trở ngại, khó khăn khiến ta rơi vào bế tắc, chán nản không biết làm sao với cuộc sống. Thế nhưng, nếu bình tâm suy nghĩ lại, ta sẽ nhận ra luôn có cách để vượt qua nghịch cảnh.
Câu chuyện cuộc sống thứ 6:
Một công nhân nọ oán thán với bạn của mình rằng: “Việc là chúng ta làm, người được biểu dương lại là tổ trưởng, thành quả cuối cùng lại biến thành của giám đốc, thật không công bằng”.
Anh bạn mỉm cười nói rằng: “Nhìn đồng hồ của cậu xem, có phải là cậu sẽ nhìn kim giờ đầu tiên, sau đó đến kim phút, còn kim giây chuyển động nhiều nhất cậu lại chẳng thèm ngó ngàng không?”.
Bài học rút ra: Trong cuộc sống thường ngày, cảm thấy không công bằng thì phải nỗ lực làm người đi đầu, oán trách chỉ vô dụng.
Câu chuyện cuộc sống thứ 7:
Thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin, bèn biến thành một lão già đến làm phép cho anh ta.
Thượng đế hỏi kẻ ăn xin: “Nếu ta cho cậu mười triệu, cậu sẽ dùng nó như thế nào?”.
Kẻ ăn xin đáp: “Vậy thì tốt quá, tôi có thể mua một chiếc điện thoại!”.
Thượng đế không hiểu, hỏi: “Tại sao lại muốn mua điện thoại?”.
Kẻ ăn xin đáp: “Tôi có thể dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong cùng một thành phố, nơi nào đông người, tôi có thể tới đó ăn xin”.
Thượng đế rất thất vọng, lại hỏi: “Nếu ta cho cậu một trăm triệu thì sao?”.
Kẻ ăn xin nói: “Vậy thì tôi có thể mua một chiếc xe. Sau này, tôi ra ngoài ăn xin sẽ thuận tiện hơn, nơi xa đến mấy cũng có thể đến được”.
Thượng đế cảm thấy rất bi thương, lần này, ngài nói: “Nếu ta cho cậu một trăm tỷ thì sao?”.
Kẻ ăn xin nghe xong, hai mắt phát sáng: “Tốt quá, tôi có thể mua tất cả những khu vực phồn hoa nhất trong thành phố này”.
Thượng đế lấy làm vui mừng.
Lúc này, kẻ ăn xin bổ sung một câu: “Tới lúc đó, tôi có thể đuổi hết những tên ăn mày khác ở lãnh địa của tôi đi, không để họ cướp miếng cơm của tôi nữa”.
Thượng đế nghe xong, lẳng lặng bỏ đi.
Bài học rút ra: Trên đời này, không phải là thiếu cơ hội, cũng không phải là vận mệnh trước giờ không công bằng, mà là thiếu đi cách thức tư duy đúng đắn. Tư duy của một người quyết định cuộc đời của người đó. Thay đổi cuộc đời bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy.
Những câu chuyện cuộc sống về sự giác ngộ bên trên hy vọng sẽ giúp bạn nhận ra giá trị cốt lõi của cuộc đời này và sẽ không còn mất phương hướng nữa.