Like A Virgin – Kinh Doanh Như Một Cuộc Chơi là một cuốn sách rất hay dành cho ai muốn tìm hiểu thêm về kinh doanh, nó có khó không hay thật sự rất đơn giản.
Cuốn sách chứa đựng những lời khuyên tốt nhất của tác giả, những ý tưởng đột phá, những điều bất chấp mọi quy tắc, tưởng chừng như rất đơn giản nhưng thật ra vô cùng nghiêm túc, ý nghĩa và đầy sâu sắc và tất nhiên những ý tưởng này đều không giống bất kì một người nào. Đây là một cuốn sách rất hay và có giá trị mà bạn không thể bỏ qua.

Thông tin của sách
- Công ty phát hành: Alphabooks
- Tác giả: Richard Branson
- Ngày xuất bản: 3-2015
- Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Thế Giới
- Số trang: 435
Nội dung của sách
Sách bao gồm những kinh nghiệm, những trải nghiệm quý giá nhất của tác giả, những yếu tố, những điều mà khiến tác giả trở thành một trong những doanh nhân được ngưỡng mộ và yêu thích nhất thế giới.
Nếu không thích thì đừng làm, hãy đổi mới và tạo nên thứ gì đó khác biệt, lòng tự hào về công ty tạo nên những điều khác biệt, vui vẻ là một công cụ kinh doanh nghiêm túc, và còn rất nhiều lời khuyên cực bổ ích khác nữa.
Chúng đều sẽ cho bạn những bài học sâu sắc và vô cùng quý giá về kinh doanh và kinh nghiệm cuộc sống
Trích đoạn trong sách
1. Nếu không thích thì đừng làm
Thành lập một doanh nghiệp cần rất nhiều nỗ lực và thời gian, vì thế, bạn tốt hơn là nên yêu thích việc đó. Khi thành lập Virgin ở một tầng hầm phía Tây London, tôi không hề có kế hoạch hay chiến lược lớn nào. Tôi cũng không định dựng nên một đế chế kinh doanh. Tôi chỉ đơn giản muốn tạo ra một thứ gì đó mà mọi người thích dùng, vui vẻ khi làm nó và vào cuối ngày thì cầu trời cho nó mang lại đủ tiền để thanh toán các hóa đơn.
Đối với tôi, xây dựng một doanh nghiệp hoàn toàn chỉ là việc làm một điều gì đó để có thể tự hào, mang những con người tài năng lại gần nhau và tạo ra một thứ gì đó sẽ làm nên sự khác biệt thực sự trong cuộc sống của những người xung quanh.
Những người làm kinh doanh chẳng khác gì những nghệ sĩ. Khi thành lập một doanh nghiệp, thứ bạn có là một tấm vải trắng tinh; bạn phải tô lên đó. Giống như một nghệ sĩ giỏi phải vẽ chính xác từng chi tiết lên tấm vải, một doanh nhân cũng phải thực hiện đúng từng việc nhỏ khi lần đầu khởi nghiệp để thành công. Tuy nhiên, không giống như một tác phẩm nghệ thuật, việc kinh doanh không bao giờ kết thúc. Nó liên tục phát triển và những sai lầm của bạn cũng không dễ xóa bỏ!
Nếu một doanh nhân định tạo ra một khác biệt thực sự và đạt được mục tiêu đó, họ sẽ có thể trả được các hóa đơn và có một doanh nghiệp thành công để làm nền tảng.
2. Hãy đổi mới – tạo ra thứ gì đó khác biệt
Dù bạn có một sản phẩm, một dịch vụ hay một thương hiệu, thì cũng không dễ để thành lập một công ty, duy trì hoạt động và phát triển nó mạnh mẽ trong thế giới hiện đại. Thực tế là ngày nay bạn phải làm một điều gì đó thực sự khác biệt mới mong để lại được dấu ấn.
Hãy quan sát những công ty thành công nhất trong 20 năm qua. Microsoft, Apple, Google và Facebook, tất cả đều khiến thế giới chúng ta đang sống chao đảo bằng cách thực hiện những việc chưa từng có tiền lệ và sau đó là bằng cách liên tục đổi mới. Giờ đây, họ nằm trong số những lực lượng thống trị.
Không phải ai cũng vươn đến được những đẳng cấp này; tuy nhiên, nếu quyết định bước chân vào một phân khúc vốn đã đông đúc, thì tốt hơn là bạn nên sẵn sàng cung cấp loại dịch vụ đủ khả năng thổi bay các đối thủ cạnh tranh.
Khi thành lập Virgin Atlantic, chúng tôi đã tung ra một tin đồn tích cực nhằm vào một thực tế đơn giản rằng phi hành đoàn của chúng tôi luôn nhã nhặn với hành khách. Quả là một ý tưởng đột phá đối với một hãng hàng không!
3. Lòng tự hào về công ty tạo nên những điều kỳ diệu
Các doanh nghiệp chỉ đơn thuần là một nhóm người và họ là những tài sản lớn nhất của bạn, hơn hẳn mọi thứ khác. Thực tế, trong đa số các doanh nghiệp, người của bạn chính là sản phẩm của bạn.
Đối với tôi, không gì buồn hơn việc nghe thấy ai đó than thở về nơi họ đang làm việc. Khi mọi người tự hào về việc họ là một thành viên trong tổ chức, thì đó là một dạng ủng hộ và cống hiến đặc biệt, một sự khác biệt vô cùng lớn trong thế giới đầy rẫy sự tầm thường và tương đồng.
4. Lãnh đạo bằng cách lắng nghe
Để trở thành một lãnh đạo giỏi, bạn phải biết lắng nghe. Chắc chắn rằng bạn cần tin chắc vào ý kiến của mình, nhưng thật vô lý khi áp đặt quan điểm của bạn lên người khác mà không thông qua thảo luận hay một mức độ nhất trí nhất định. Không ai có độc quyền về các ý tưởng hấp dẫn hay những lời khuyên thấu tình đạt lý.
Hãy bước ra ngoài kia, lắng nghe mọi người, khiến họ nói ra suy nghĩ và cảm nhận của mình và học hỏi từ họ. Với tư cách một nhà lãnh đạo, bạn cũng phải luôn thể hiện mình là người hào phóng với những lời khen. Không bao giờ được chỉ trích ai một cách công khai; không bao giờ mất bình tĩnh và luôn nhanh chóng dành lời khen ngợi cho những việc được hoàn thành tốt.
Mọi người luôn phấn chấn khi nhận được những lời khen. Thường thì, họ chẳng mấy khi cần ai nhắc nhở về việc họ đã làm sai bởi họ luôn biết điều đó.
5. Hãy để mọi người nhìn thấy bạn
Một lãnh đạo giỏi không bao giờ chết dí sau chiếc bàn. Tôi không bao giờ làm việc ở văn phòng mà luôn làm việc ở nhà, nhưng tôi lại thường xuyên ra ngoài gặp gỡ mọi người. Có vẻ như lúc nào tôi cũng đang di chuyển nhưng tôi luôn có một quyển sổ tay để ghi lại nhanh các câu hỏi, những vấn đề hoặc các ý tưởng hay.
Nếu đi trên bất kỳ chuyến bay nào của Virgin, tôi luôn cố gắng gặp nhiều thành viên phi hành đoàn và hành khách nhất có thể và mỗi lúc như vậy, tôi lại giắt túi kha khá những ý kiến và đề xuất hay. Nếu không viết ra thì chắc tôi đã chẳng nhớ được là bao, nhưng chúng đã không thể “rơi rớt” đi đâu khi được ghi trong cuốn sổ xấu xí này. Hãy nói chuyện với nhân viên và khách hàng của bạn bất cứ khi nào có thể, lắng nghe những điều họ nói với bạn, cả tốt lẫn xấu và hành động dựa vào đó.
Một vài người có thể nói, “Ồ, mọi chuyện đều dễ dàng khi anh sở hữu một doanh nghiệp nhỏ,” nhưng tại Virgin, chúng tôi luôn bổ nhiệm những người cùng chung chí hướng làm người đứng đầu công ty. Nhờ vậy, chúng tôi có thể điều hành một tập đoàn lớn như một chủ doanh nghiệp nhỏ điều hành một doanh nghiệp gia đình – luôn chủ động, phản ứng nhanh và thân thiện.
À vâng, tôi vẫn phải trả lời câu hỏi đầu tiên về nguồn gốc cái tên Virgin [4]. Đáng buồn là không có câu chuyện gợi tình nào liên quan đến nó. Một buổi tối nọ, tôi đã trò chuyện với một nhóm các cô gái 16 tuổi sau khi đã làm vài chén trong lúc nói về tên của cửa hàng thu âm. Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra và vì chúng tôi đều là “lính mới” trong kinh doanh nên có người đã đưa ra cái tên Virgin. Từ đó mang lại cảm giác tươi mới và vào thời điểm đó, nó vẫn có chút dung tục, nên chúng tôi đã quyết định chọn nó với ý nghĩ rằng cái tên này sẽ thu hút được sự chú ý.
Nhưng dù cho ý tưởng và/hoặc tên thương hiệu có hay đến thế nào thì ngay những cái hay nhất trong số đó vẫn có thể thất bại trong lần thử nghiệm đầu tiên. Ví dụ, vào đầu những năm 1960, một nhóm khác với cái tên hấp dẫn, The Beatles, đã bị không dưới bảy hãng thu âm từ chối trước khi tìm được một hãng sẵn sàng chấp nhận họ.
Vậy, nếu bạn không thể tồn tại, chỉ cần nhớ rằng đa số các doanh nghiệp mới thành lập không thành công và rằng một vài trong số những bài học tuyệt vời nhất luôn được rút ra từ thất bại. Và như lời của một bài hát cũ, “Hãy đứng lên, phủi bụi và bắt đầu lại từ đầu”.
…
Không có gì đáng ngạc nhiên khi, giống như Virgin Atlantic, hãng hàng không sinh ra trước nó, chuyên khai thác các đường bay nội địa tại Mỹ, Virgin America, liên tục “càn quét” các giải thưởng trong ngành du lịch về dịch vụ và chất lượng. Máy bay của hãng này mới, nội thất và các loại hình giải trí tuyệt vời; nhưng trên hết, chính dịch vụ tuyệt vời của phi hành đoàn đã khiến nó giành được rất nhiều tán thưởng nhiệt liệt.
Con người là tài sản vô giá, khi là các cấp cao nhất trong doanh nghiệp, họ có thể làm nên hoặc hủy hoại một tổ chức. Tôi vẫn thường nhắc nhở các quản lý của mình cũng như các doanh nhân tiềm năng khác rằng niềm kiêu hãnh đích thực về doanh nghiệp sẽ tạo nên mọi sự khác biệt.
Ngay cả những người giỏi nhất cũng cần đến khả năng lãnh đạo tuyệt vời. Một lãnh đạo giỏi phải hiểu đội ngũ của mình, biết điểm mạnh và điểm yếu của họ; lắng nghe trực tiếp và giao tiếp với họ cũng rất quan trọng. Một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người bỏ việc là bởi họ không được lắng nghe. Vấn đề hiếm khi chỉ vì tiền mà thường là sự ức chế.
Một lãnh đạo tồi có thể nhanh chóng hủy hoại doanh nghiệp – một điều rất dễ thấy trong các doanh nghiệp nhỏ. Trên hòn đảo Necker của tôi ở vùng Caribe, chúng tôi từng có một giám đốc mới, luôn cố thay đổi cách thực thi mọi việc. Trong đó, ông ta không cho phép nhân viên xã giao với khách bằng cách thỉnh thoảng uống vài ly. Điều này nhanh chóng làm hỏng bầu không khí thân thiện của hòn đảo. Chúng tôi đã phải can thiệp bằng cách thay thế người quản lý này và xốc lại tinh thần làm việc của nhân viên, cũng như ý thức về niềm tin của ban quản lý vào họ, thứ đã bị sứt mẻ qua sự việc trên.
Một vài doanh nghiệp thành công nhất của chúng tôi cũng được thành lập sau khi người của chính chúng tôi đưa ra ý tưởng và thuyết trình về chúng. Ví dụ, Virgin Blue, một hãng hàng không của chúng tôi tại Úc (hiện được biết đến với cái tên Virgin Australia), là đứa con tinh thần của Brett Godfrey, một người Úc làm việc cho Virgin tại Brussels.
Với phong cách “rất Úc”, ông đã đến gặp tôi với bản kế hoạch kinh doanh – được viết trên một miếng bìa lót cốc bia – phác thảo việc thành lập một hãng hàng không nội địa giá rẻ ở Úc để cạnh tranh với Qantas và Ansett. Trong suốt cả thập kỷ sau đó, Brett đã mở rộng Virgin Australia và các hãng hàng không chị em của nó đến Mỹ, New Zealand, Thái Lan và Bali.
Trong những trường hợp khác, chúng tôi đã hỗ trợ một đội ngũ bên ngoài khi họ gây ấn tượng đủ khiến chúng tôi trao cho họ lợi thế thương hiệu và không gian để tự gây dựng doanh nghiệp mới. Virgin Active, chuỗi câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe của chúng tôi, là một ví dụ điển hình. Matthew Bucknall và Frank Reed đã đến gặp tôi với ý tưởng về một câu lạc bộ thể hình và chăm sóc sức khỏe phù hợp cho gia đình vào năm 1999. Họ đã thành lập và bán một chuỗi tại Anh trong những năm 1990 và muốn làm lại một lần nữa với thương hiệu Virgin.
Chúng tôi thích ý tưởng này cũng như đội ngũ quản lý của nó, vì vậy chúng tôi đã hỗ trợ họ một buổi giới thiệu sản phẩm tại Anh, và trong vòng hai năm, chúng tôi đã được chính Nelson Mandela đề nghị cứu một chuỗi ở Nam Phi. Đội Active đã nắm ngay lấy cơ hội và cứ thế tiến bước từ đó. Chúng tôi hiện có hơn 100 câu lạc bộ ở Nam Phi và 160 câu lạc bộ khác ở Anh, Úc, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Niềm tin là khía cạnh mấu chốt của mọi doanh nghiệp, nhưng cách bạn ứng phó với việc bị làm thất vọng cũng góp phần vào thành công. Bạn có sẵn lòng cho mọi người cơ hội thứ hai không?
Khi tôi còn điều hành Virgin Records, một thành viên trong đội tìm kiếm tài năng đã ăn cắp và bán các hộp đĩa cho những cửa hàng đồ cũ địa phương. Khi biết sự việc, tôi đã hỏi anh ta về điều đó. Anh ta thừa nhận tất cả. Thay vì sa thải, tôi đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc và cho anh ta cơ hội thứ hai. Tôi nói với anh ta rằng, ai cũng từng mắc sai lầm và tôi mong anh ta học hỏi được từ sai lầm của mình, quay trở lại làm những việc anh ta giỏi nhất – tìm kiếm các nghệ sĩ. Anh ta đã rất nỗ lực và phát hiện ra Culture Club, một trong những ban nhạc bán được nhiều đĩa nhất của chúng tôi trong những năm 1980.
Tất cả chúng ta đều vấp ngã ở đâu đó trên con đường sự nghiệp của mình. Tôi cũng thế. Khi chỉ là một cậu choai choai, tôi đã từng gặp rắc rối với hải quan Anh khi tìm cách tuồn đĩa hát miễn thuế ra nước ngoài. Tôi đã không bị ghi “có tiền án, tiền sự” vào lý lịch nhờ nộp tiền phạt và được trao cơ hội thứ hai. Tôi nghĩ điều này đã giúp tôi dễ chấp nhận và tha thứ cho lỗi lầm của những người khác hơn.
Số công ty so sánh mình với các gia đình nhiều đến mức từ “gia đình” có vẻ bị lạm dụng một cách nghiêm trọng trong các doanh nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, tôi thực sự tin rằng tinh thần gia đình của Virgin đã giúp nó hưng thịnh trong suốt hơn 40 năm qua.
Khi việc kinh doanh còn nhỏ, chúng tôi đã có những bữa tiệc huyền thoại tại nhà tôi gần Oxford. Chúng tôi dựng một hội trại với những căn lều có đầy các loại hình giải trí cho các nhân viên và gia đình họ. Khi chúng tôi mở rộng quy mô, bữa tiệc này chuyển thành hai bữa tiệc và không lâu sau đó, chúng trở thành các bữa tiệc kéo dài hai tuần với 80.000 người chỉ để đảm bảo tất cả mọi người đều được mời. Cuối cùng, chúng đã biến thành những bữa tiệc kéo…
>> Tư duy nhanh và chậm – Daniel Kahneman [Review sách]
>> [Review sách] Tiếp thị lượng tử – Quantum Marketing – Raja Rajamannar