Giá nông sản phía Bắc giảm vì lí do tiêu thụ chậm vì tình hình dịch bệnh. Tổ Công tác 3430 của Bộ NN-PTNT vừa có báo cáo về vấn đề sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp các tỉnh phía Bắc và các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Theo đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch của chúng, kéo theo giá một số mặt hàng nông sản bị giảm. Giá thu mua các loại nông sản giảm trong khi giá vật tư sản xuất lại tăng, mức tăng từ 10-40% so với đầu năm 2021 tùy theo địa phương và đang có xu hướng tiếp tục tăng cao.
Cụ thể, tại Lào Cai, giá bán rau xanh giảm khoảng 1.000-2.000 đ/kg và tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm rất nhiều. Mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào tháng 9-11 nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên sẽ khó khăn trong tiêu thụ hơn. Dự kiến trong tháng 9 tới sẽ thu hoạch 2.000 tấn cần tìm thị trường trong nước để tiêu thụ.
Giá nông sản phía Bắc giảm thì ở Lai Châu, Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa dẫn đến sản lượng chuối tồn đọng hiện nay khoảng 3.000 tấn, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng tới là 4.000 tấn. Mặt hàng chè khô tồn kho còn khoảng 2.400 tấn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sơ chế và chế biến chè. Việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản chất lượng cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo, cá lăng còn bị hạn chế.
Bên cạnh đó, do việc vận chuyển, lưu thông ra vào trong nội tỉnh và giữa các tỉnh thành khó khăn nên giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng lên cao.
Theo Tổ Công tác 3430, giá phân bón tăng từ 20-50% so với cùng kỳ năm 2020; thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khoảng 30% so với đầu năm 2021 và vẫn tiếp tục có xu hướng tăng do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng; thức ăn thủy sản tăng 20-30% so với cùng kỳ do giá nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài tăng (Hải Dương); một số sản phẩm thú y thì tăng nhẹ; giá thuê nhân công lao động thì tăng.
Để tháo gỡ những khó khăn nói trên, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục nắm bắt sát từng diễn biến, tình hình sản xuất và chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm và vật tư nông nghiệp phục vụ tại chỗ, chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung ứng cho các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản để giảm giá thành vật tư đầu vào.
Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản nhằm giúp người dân yên tâm trong sản xuất hơn, tranh thủ phối hợp Bộ Ngoại giao trong đề xuất nội dung hợp tác nông nghiệp tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp Ủy ban hợp tác liên Chính phủ tới đây.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vacxin sẽ được đi đâu, làm gì ở các tỉnh, thành phố mà tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên để duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản một cách ổn định.
Đặc biệt, đề nghị các địa phương chỉ đạo giải quyết triệt để những vấn đề ách tắc trong vận chuyển vật tư đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống, chất độn chuồng, thiết bị chăn nuôi và sản phẩm đầu ra (gia cầm thịt, trứng). Quá trình vào, ra khu vực trại chăn nuôi tại các tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.