Giá cà phê hôm nay 15/9/2023 ở thị trường trong nước tăng 300 – 400 đồng/kg tại Tây Nguyên.
Hiện giá mua cà phê đang dao động khoảng 65.900 – 66.900 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước hôm nay 15/9 tăng 300 – 400 đồng/kg tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên và Miền Nam. Hiện giá cà phê đang được thu mua trong khoảng 65.900 – 66.900 đồng/kg.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 65.900 đồng/kg.
Tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 66.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 66.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 66.900 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 66.800 đồng/kg ở Đắk R’lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 66.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 66.300 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 66.500 đồng/kg.
Xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2023 từ nguồn cung Việt Nam đã giảm 5,37% so với cùng kỳ năm trước, cho dù lũy kế xuất khẩu 11 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã tăng 3,87% so với cùng kỳ niên vụ trước, góp phần khẳng định nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu đã cạn kiệt, trong khi đến cuối tháng 12 Việt Nam mới có hàng vụ mới.
Mặc dù khối lượng suy yếu, song giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng tháng thứ 6 liên tiếp, ghi nhận mức cao mới trong tháng 8, đạt 2.963 USD/tấn, tăng 4,8% so với tháng 7 và tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu trung bình đạt 2.459 USD/tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu lượng cà phê xuất khẩu những tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với những tháng đầu năm, thì lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn, trị giá 4,2 tỷ USD. Đây sẽ là mức kim ngạch kỷ lục mới của ngành cà phê.
Giá cà phê đang duy trì tại mức cao trong lịch sử, vốn là tin vui đối với nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, điều này chưa hoàn toàn đúng trong bối cảnh hiện tại khi nguồn cung cà phê nước ta đang rơi vào tình trạng khan hiếm.
Tại một số tỉnh trọng điểm trồng cà phê thực tế cho thấy, lượng cà phê dự trữ trong nhân dân và một số doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết. Do đó, từ đợt tăng giá đột biến hồi tháng 7 và tháng 8 vừa qua, chỉ có một bộ phận số ít người sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp chế biến được hưởng lợi từ lượng cà phê dự trữ khi giá cà phê đạt đỉnh.
Nguồn: Báo Môi Trường Và Đô Thị