FLC lãi trước thuế hơn 42 tỷ đồng: Cụ thể, theo báo cáo hợp nhất quý I vừa công bố, FLC đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.560 tỷ đồng, giảm 46,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp này cho biết, các công ty con trong lĩnh vực khách sạn, du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng giảm hơn 61% xuống còn gần 2.380 tỷ đồng giúp doanh nghiệp này lãi gộp hơn 107,6 tỷ đồng. Trong quý I, FLC cũng cắt giảm mạnh chi phí tài chính xuống 56,7 tỷ đồng (giảm 84,5%). Nhờ đó, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận lợi nhuận sau thuế 42,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, FLC lỗ đến gần 1.900 tỷ đồng.
Đến 31/3, tổng tài sản của FLC đạt 29.460 tỷ đồng, giảm hơn 8.300 tỷ đồng so với đầu năm. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả hơn 19.750 tỷ đồng, giảm 4.657 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 9.700 tỷ đồng, giảm 3.719 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Cả năm nay, FLC đặt mục tiêu doanh thu 15.250 tỷ và lãi sau thuế 880 tỷ đồng. Theo đó, hết quý I, doanh nghiệp này thực hiện được 15,6% và gần 5% kế hoạch hai chỉ tiêu trên.
Năm ngoái, FLC đã phục hồi từ quý III và ngược dòng kết thúc năm với doanh thu 13.500 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 421 tỷ đồng.
Tại phiên họp thường niên hồi đầu tháng, lãnh đạo FLC đã lý giải về cơ sở đạt mục tiêu lãi tăng mạnh so với năm 2020 do có nhiều dự án trong giai đoạn hoàn thành sắp bàn giao cho đối tác, khách hàng để tập đoàn ghi nhận doanh thu như dự án tại Hạ Long, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Sa Đéc..
Năm nay, FLC có gần 20 dự án bất động sản đang phát triển và chuẩn bị ra mắt. Bên cạnh các dự án đô thị tại Hà Nội, Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Đồng Tháp…, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết cũng sẽ khởi công các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Hà Giang, Phú Quốc.
Với mảng hàng không, Chủ tịch FLC cho biết đặt mục tiêu nâng đội bay của Bamboo Airways lên 40 chiếc và chiếm 30% thị phần nội địa cuối năm nay. Hãng bay này cũng đang lên kế hoạch IPO tại Mỹ.
>>>Honda đặt mục tiêu 100% doanh số cho xe điện vào năm 2040