![]() |
Ảnh minh họa |
Trong giai đoạn hiện nay, cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu về văn hóa thì lĩnh vực tư tưởng, đạo đức của thanh niên sinh viên cũng chịu nhiều tác động to lớn.
Ý thức đạo đức của sinh viên Việt nam hiện nay cũng có những biến đổi nhất định. Biểu hiện những biến đổi trong ý thức đạo đức của họ cho thấy: một mặt, có sự tiếp thu những đặc điểm mới của thời đại; mặt khác, có quá trình kế thừa và phát triển truyền thống đạo đức của dân tộc cũng như truyền thống đạo đức cách mạng của học sinh, sinh viên Việt Nam trong điều kiện mới.
Đối với những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, phần lớn sinh viên Việt Nam hiện nay đã có ý thức gìn giữ, phát huy, song vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa biết tôn trọng và kế thừa nó, bởi vậy hậu quả rất đáng lo ngại. Qua việc phân tích thực trạng, cần đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực trong ý thức đạo đức sinh viên đối với các giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam.
Giá trị truyền thống là mặt tích cực của truyền thống, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển xã hội. Giá trị truyền thống của dân tộc ta là do cộng đồng con người Việt Nam tạo dựng, bồi đắp lên qua hàng ngàn năm đấu tranh chống thiên tai khắc nghiệt và chống kẻ thù xâm lược, tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong hệ thống giá trị truyền thống, nổi bật nhất vẫn là những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Đó là những quan điểm, quan niệm, nguyên tắc, chuẩn mực, hành vi ứng xử, thói quen, tập quán đạo đức có từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói đến những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam là nói đến những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
![]() |
Sinh thời, Bác Hồ là người rất quan tâm tới thanh niên |
Nghiên cứu về vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam có nhấn mạnh: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp lên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh thần hiếu học, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống …”.
Những giá trị đạo đức truyền thống góp phần làm nên vẻ đẹp tinh thần con người Việt Nam, tạo nên sức sống mãnh liệt của dân tộc, là nền tảng vững chắc để xây dựng đạo đức mới – đạo đức cách mạng cho thanh niên sinh viên trong thời đại mới.
Sinh viên là những người đang học tại các trường cao đẳng và đại học, là bộ phận xã hội có những đặc điểm về nhận thức, tâm lý, sinh lý đặc thù. Sinh viên là bộ phận trí thức trong tương lai, là lực lượng trẻ, có sức khỏe dồi dào, có trình độ văn hóa, nhạy cảm với cái mới, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, ưa tìm tòi, khám phá, giàu ước mơ, hoài bão, thích giao tiếp, thích tham gia các hoạt động xã hội, dám nghĩ dám làm… Sinh viên là nguồn dự trữ, là tài sản quý báu của quốc gia.
Tuy nhiên, sinh viên là tầng lớp trẻ tuổi. Phần lớn sinh viên hiện nay chưa được rèn luyện nhiều trong thực tiễn sản xuất và chiến đấu, thiếu kinh nghiệm sống. Hiểu biết của họ về quốc gia, dân tộc, về giai cấp, về truyền thống lịch sử chủ yếu chỉ qua sách vở, thậm chí vẫn còn rất hạn chế. Sinh viên từ nhiều vùng miền khác nhau của Tổ quốc khi tập trung về các trường đại học ở những thành phố lớn thì cuộc sống có nhiều thay đổi lớn. Họ phải làm chủ để hòa nhập vào môi trường học tập, giao tiếp và môi trường sống mới.
![]() |
Hình ảnh đẹp của sinh viên (Ảnh minh họa) |
Những đặc điểm trên cho thấy sinh viên là bộ phận xã hội đặc biệt, rất cần được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm giáo dục do nhân cách và lối sống chưa ổn định. Họ là lực lượng kế tục và phát huy nguồn lực trí tuệ của đất nước. Chúng ta cần thấy rõ được những biểu hiện tích cực trong ý thức đạo đức của sinh viên đối với việc kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc và truyền thống đạo đức cách mạng của học sinh – sinh viên, từ đó phát huy hơn nữa mặt tích cực này.
Nhiều thế hệ thanh niên sinh viên Việt nam đã ý thức rất rõ việc kế thừa, phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, đặc biệt là tinh thần yêu nước. Theo giáo sư Vũ Khiêu, “tinh thần yêu nước là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc”.
Nối tiếp truyền thống của các anh hùng dân tộc trong lịch sử như: Ngô Quyền, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung,…các thế hệ thanh niên sinh viên Việt Nam đầu thế kỷ XX với niềm tự hào dân tộc lớn lao đã sớm đi theo con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Lớp người hăng hái đi đầu với đầy nhiệt huyết tìm đến chân lý cách mạng của thời đại chính là thanh niên sinh viên. Họ trực tiếp tham gia xây dựng Đảng, Đoàn thanh niên với những tấm gương như: Đồng chí Trần Phú (Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng khi mới 25 tuổi), Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Lý Tự Trọng,… Họ là những chiến sĩ cách mạng kiên cường của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo Báo Tầm nhìn
>>>Có quyền đi kèm với trách nhiệm: coronavirus là đại dịch của thói đạo đức giả như thế nào?