“Đạo đức giả” trong chống biến đổi khí hậu. Nhiều nước vẫn “đại ngôn” là đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhưng thực chất lại đang thu lời từ những sản phẩm làm khí hậu biến đổi.
Ở Oslo, thủ đô Na Uy, đèn đường được thắp sáng bằng năng lượng tái tạo. Để tiết kiệm năng lượng, đèn thông minh sẽ mờ khi không có ai xung quanh. Thủ đô Na Uy, giống như những nơi khác ở đất nước này, tự hào về các “chứng chỉ xanh” đặc biệt của mình. Hệ thống giao thông công cộng của thành phố cũng chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Hai phần ba số ô tô mới được bán trong thành phố là xe điện. Thậm chí thành phố còn có đường cao tốc dành riêng cho ong.
Nhưng có một vấn đề. Đó là phần lớn những sáng tạo bảo vệ môi trường mà Na Uy rất tự hào được tài trợ bằng tiền thu được từ dầu mỏ. Vì Na Uy, ngoài việc là một nước nổi tiếng về chống biến đổi khí hậu và có tư duy vì tương lai thì còn là một nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn. Và Na Uy có ý định tiếp tục như vậy trong một thời gian dài nữa.
Na Uy không phải là quốc gia duy nhất “rao giảng” về tầm quan trọng của phát triển bền vững trong khi thu tiền từ chính thứ đang gây ra biến đổi khí hậu. Nước Anh sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn vào cuối năm nay, nhưng đồng thời cũng đang dự tính mở một mỏ than mới. Canada, một nước tự xưng là đi đầu trong chống biến đổi khí hậu, còn đang đổ tiền thuế của dân vào một dự án đường ống dẫn dầu không có tương lai.
Một phát ngôn viên của Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh, phát biểu với hãng truyền thông CNN bằng email: “Vương quốc Anh đang dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi là nền kinh tế lớn đầu tiên đưa ra luật về không phát thải vào năm 2050 và đã cắt giảm 43% lượng khí thải kể từ năm 1990, mức tốt nhất trong G7”.

Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu biểu tình phản đối chính sách của Na Uy: “Có vấn đề to bằng con voi ở trong phòng mà không ai nói đến”
Chính phủ Anh có thể đưa ra những tuyên bố này, bởi vì theo các hiệp định quốc tế, mỗi quốc gia chỉ chịu trách nhiệm về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được tạo ra trong lãnh thổ của mình. Điều đó có nghĩa là Anh, Canada, Na Uy và những nước cùng hiện trạng không cần phải lo lắng về lượng khí thải do việc đốt dầu, khí đốt và than của họ gây ra ở những nơi khác trên thế giới.
Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch sẽ thải ra CO2, chất này giữ bức xạ mặt trời trong khí quyển, giống như thủy tinh giữ nhiệt trong nhà kính. Điều này khiến nhiệt độ tăng lên, từ đó dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn, băng tan và nước biển dâng.
Đó là một phương trình đơn giản: Chúng ta đốt càng nhiều nhiên liệu hóa thạch thì lượng CO2 thải ra khí quyển càng nhiều và hiệu ứng nhà kính càng lớn.
Mục tiêu của Hiệp ước Khí hậu Paris là kiềm chế mức nóng lên của khí hậu Trái Đất dưới 2 độ C và càng gần mức 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp càng tốt. Để đạt được điều đó, thế giới cần phải cắt giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch khoảng 6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030. Tuy nhiên, các dự báo hiện tại lại cho thấy sản lượng nhiên liệu hóa thạch hàng năm lại tăng 2%.
Canada, Anh và Na Uy đều đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng. Anh và Canada cam kết giảm lượng khí thải trên lãnh thổ của họ xuống mức 0 vào năm 2050. Na Uy muốn kết thúc thải khí carbon vào năm 2030. Giảm lượng khí thải xuống mức 0 có nghĩa là nếu các nước này không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả lượng khí thải, họ có thể bù đắp bằng cách loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển, chẳng hạn như thông qua việc trồng nhiều cây hơn.

Hoạt động khai thác dầu ở tỉnh Alberta, Canada
Theo văn phòng thống kê của Na Uy, lượng khí thải nội địa hàng năm của Na Uy đạt khoảng 53 triệu tấn vào năm 2017. Còn theo Báo cáo Khoảng cách phát thải của Liên Hợp Quốc, lượng khí thải từ dầu và khí đốt mà Na Uy bán ra nước ngoài đạt khoảng 470 triệu tấn cũng vào năm 2017.
Chúng minh họa cho một vấn đề lớn: Các kế hoạch của các quốc gia nhằm giảm khí thải không tạo ra được tổng lượng khí thải mà toàn thế giới cần giảm.
Trong khi đó, Giáo sư Höhne cho biết các kế hoạch chống biến đổi khí hậu không thể dừng lại ở mục tiêu giảm khí thải mà còn nên đặt ra thời hạn để loại bỏ dần các động cơ đốt trong, đạt mức sử dụng 100% năng lượng tái tạo và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Giáo sư Höhne chỉ rõ: “Cho đến nay, chỉ có một số nước sản xuất nhỏ ngừng cấp phép các địa điểm khai thác nhiên liệu hóa thạch mới, Đan Mạch là một nước như thế, và quyết định này cần phải có ở Na Uy và Canada cũng như Mỹ và Anh”.
Cuộc chiến giữa chống biến đổi khí hậu và lợi ích kinh tế xem ra sẽ còn dằng dai!
Theo CNN
>>>Biến đổi khí hậu có thể đã thúc đẩy sự xuất hiện của SARS-CoV-2